Blog

22 SỰ THẬT KHI BẠN TRƯỞNG THÀNH MỚI NHẬN RA

2015-07-07 07:05

1. Bạn thèm khát được đi ngủ đúng giờ thay vì cứ cố sức thức khuya như hồi “còn trẻ”.

2. Được ngủ một giấc buổi trưa là thứ tuyệt vời mà chẳng ai có thể cản đường bạn cả.

3. Tất cả những câu chuyện cổ tích mà bạn yêu thích hồi nhỏ đều khiến bạn trăn trở về “giá trị đạo đức” của chúng.

4. Không có gì gây khó chịu cho bạn hơn là đám thiếu niên tuổi teen, và bạn cũng bày tỏ sự hối lỗi sâu sắc vì những gì bạn làm hồi “trẻ trâu”.

5. Muốn có bạn chơi cùng hả? Học cách kết bạn đi đã!

6. Bị người khác bảo rằng “em chưa đủ tuổi đâu, ngừng đi” lại là một sự khó chịu khác. Tôi kỷ niệm sinh nhật 18 tuổi đã lâu rồi mà!

7. Ngày trước, bạn có thể cả ngày “bù khú” cùng bè bạn mà chẳng lo âu. Giờ thì lại chẳng dám uống nhiều nhưng rồi sáng ra đầu óc choáng váng nhưng vẫn phải bước chân tới công ty.

8. Mất 2 thập kỷ bạn mới nhận ra hai điều sau đây: Bát bẩn? Tự đi mà rửa. Quần áo hôi? Tự biết mà giặt. Lớn rồi, chẳng ai làm hộ cho đâu!

9. Chẳng biết từ lúc nào, dậy sớm và tập thể dục đã là thói quen hàng ngày của bạn. Chẳng như ngày xưa, mặt trời lên quá đỉnh đầu rồi mà vẫn trốn trong chăn ấm đệm êm.

10. “Quan hệ xã hội” là thứ cần thiết nhất và cũng là thứ quái quỷ nhất trong cuộc đời bạn.

11. Bố mẹ bạn là những người tuyệt vời nhất và bạn sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để được trò chuyện thẳng thắn cùng họ.

12. Theo đuổi một thứ mà bạn yêu thích và kiếm được tiền từ điều đó luôn rất đặc biệt.

13. Thỉnh thoảng, có những lúc bạn bị đau nhức mệt mỏi toàn thân nhưng bạn cũng “bó tay” chẳng biết làm thế nào bây giờ.

14. Sau những ngày xa xỉ đầu tháng, bạn phải “miễn cưỡng” nhận ra rằng phải biết tự quản lý tài chính của mình theo khuôn khổ.

15. Những quán cafe ấm cúng với âm nhạc trữ tình giờ hợp với bạn hơn là lên bar và “quẩy” trong những bản nhạc sôi động.

16. Mở báo ra, nhìn thấy các bài báo về “tài năng trẻ, ông chủ ở tuổi 20…” và tự thắc mắc rằng “mình đã làm cái quái gì trong thời gian đó nhỉ?”.

17. Bạn không nhất thiết phải là một đầu bếp đi thi MasterChef, nhưng khi bước chân vào bếp thì bạn phải biết nấu một món cho ra hồn.

18. Sáng ra để tóc kiểu gì cũng xấu, làm sao bây giờ…

19. “Giá như ngày xưa chịu khó nghiên cứu sách vở hơn 1 tí thì chắc hẳn bây giờ đã thông minh hơn cả ngàn lần”, vâng, lại là “giá như”.

20. 5 thằng bạn chí cốt luôn luôn tốt hơn 50 đứa bạn xã hội.

21. “Thời gian trôi đi” không chỉ là một câu nói đầu môi vì chỉ cần ngoảnh đi ngoảnh lại là đã lại hết tháng và bạn vẫn chẳng kịp làm gì cả.

22. Có ai từng nhớ rằng hồi bé nghĩ lớn lên sẽ “biết tuốt” không? Nhưng mà chẳng ai biết gì hết…

BẠN KỂ NỖI BUỒN CHO AI

2015-07-07 07:02

Tôi là một đứa nói khá nhiều, kể nhiều về cuộc sống cho mình nghe, cả trên Fb cá nhân cũng vậy, tôi viết về những cảm nhận trong cuộc sống, vì với mỗi trải nghiệm tôi tìm thấy một niềm vui, sự thú vị riêng.

Hôm rồi chở em từ trường thi về tôi hỏi:

Bé Dương có hay kể chuyện cho mẹ nghe không.

Dạ không ạ! Thỉnh thoảng em kể mà có khi thì không.

 

 

Tôi mỉm cười, có khi chúng ta thích sự im lặng và giữ nỗi buồn cho riêng mình, dẫu biết một điều là nỗi buồn được sẽ chia thì cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Trước đây tôi cũng khá im lặng, nhưng sau này khi lớn lên tôi học được cách giữa cho và nhận, tôi thích ngồi hằng giờ ở quán cà phê quan sát mọi thứ xung quanh và cảm nhận về mọi thứ diễn ra, có khi tôi để nỗi buồn vào trong những bản nhạc ở quan, hay nụ cười của một anh pha chế đẹp trai, cứ vậy nỗi buồn được san sẻ khi chúng tôi chỉ nhìn nhau và mỉm cười.

Ngôi nhà tôi đang ở có bốn đứa, mỗi khi về đến nhà mấy chị em hay kể về một ngày đã qua, có bất kì niềm vui hay nỗi buồn, có khi tôi thủ thỉ cho mẹ nghe, nhiều người bạn bảo rằng họ không tìm được người tương giao.

Nhưng

 

 

Để nỗi buồn tìm thấy sự tương giao là một quá trình, có những ngày tôi thức dậy và thấy tâm mình bất an, chẳng hiểu vì sao lại như vậy, khi tâm trạng không tốt thì ngủ một giấc, sau khi tỉnh táo viết và kể nỗi buồn mình vào trong những câu chuyện, hẳn nhiên nó không phải là những tiếng than vãn bi ai từ cuộc sống này, vì phần lớn những người tôi gặp họ là người tôi, họ ôm hôn tôi dù chúng tôi xa lạ, họ nhìn tôi và hỏi han mỏi thứ, cứ như vậy từ bao giờ nỗi buồn rong chơi ở đâu đó tôi không hề hay biết.

Đã có những khi ta thấy mọi thứ trở về nguyên bản, thấy mình trần trụi giữa cuộc đời, khi mọi cảm xúc ta cứ giữ cho riêng mình, đến khi niềm vui cũng không dám hét to lên, nỗi buồn không biết diễn tả làm sao cho người khác hiểu, cảm thấy mọi thứ trở nên trơ lì và nhạt lạnh.

Hôm nay tôi hỏi bạn về nỗi buồn bạn kể cho ai, để ta nhớ ra bao lâu rồi không cho cảm xúc mình lên tiếng, bao lâu rồi chưa ngồi bên một ly trà và kể bạn nghe cuộc sống nhiều màu sắc này, cũng bao lâu rồi chưa kể mẹ nghe những áp lực nơi phố thị dù mẹ không thể hiểu hết nhưng chắc một điều là mẹ sẽ lắng nghe.

Mỗi ngày qua đi, đan xen nhiều dư vị, hôm nay tôi kể nỗi buồn cho bạn nghe, còn bạn kể nỗi buồn mình  cho ai!

 

BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI ĐANG THÀNH CÔNG

2015-07-03 11:12

Điều đó là không thể bạn ạ! Vì mình đang gặp quá nhiều vấn đề trong cuộc sống, ra trường đã một thời gian dài mà không thể tìm được một môi trường làm việc thuận lợi, người yêu mình dường như không thể là người cùng mình chia sẻ tất cả. Chưa bao giờ mình thấy cuộc sống ngụp lặn trong những ngày buồn chán như thế này.

 

 

Tôi đã nói với người bạn của mình hãy mạnh mẽ lên, chấp nhận tất cả những gì không tốt đang diễn ra để đưa ra những định hướng và con đường đi mới, nhưng tôi không thể làm thay bất kì ai được. Và mỗi ngày khi tôi ghé lên trang mạng xã hội thì bắt gặp rất nhiều trạng thái bạn bè mình  rơi vào trạng thái chán nản, riêng bản thân tôi thì không thể để nó kéo đi và làm mình từ bỏ.

Tôi  cùng em nói về sự thành công, ôi! Chị ơi! Em mới là cô nữ sinh lớp mười một, sang năm em mới thi đại học em chưa có bất kì sự thành công nào hết, và nếu nói ra tất cả thì bạn bè nghĩ em là một đứa hay khoe khoang và kiêu ngạo. Chị cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Nhưng tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống đều có hai mặt. Tâm trạng em đang chán, đang không biết bắt đầu từ đâu, vậy thì điều cốt yếu là em làm thế nào để mình thật bình tâm và tìm ra những giá trị trong mỗi ngày đang qua.

 

 

Nói về sự thành công, tất cả chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, chẳng có được bao nhiêu bạn ạ! Cô bạn tôi cũng nói vậy. Nhưng khoan, hãy liệt kê ra giấy, chậm thôi và làm mọi thứ từng bước một, kiên tâm làm tất cả chứ không bỏ ngang giữa chừng.

Khi nói về sự thành công là ta cho mình những phút giây nhìn lại bản thân mình trong những ngày đã qua. Không phải đợi đến những ngày cuối năm mới có thể lôi tất cả từ chiếc hộp thời gian. Đã đến lúc ta biết mình đã chạm đến nấc thang nào trong những khung thang cuộc đời, đang ở điểm đầu, điểm cuối hay điểm giữa. Vì chỉ như vậy ta mới biết mình cần  phải làm gì tiếp theo.

Không có sự thành công nào đáng được nói lên ư! Thực sự thì tất cả mọi thứ tồi tệ đến mức như vậy không, thoát khỏi cái bóng của  ngày cũ, việc đã hoàn thành chương trình học tại cấp ba hay đại học đã là một bước thành công, trải nghiệm những công việc bán thời gian ở đâu đó, tất cả đều mang về cho ta những bài học vô cùng giá trị, những con người ta gặp, những mối quan hệ ta xây dựng và từ bao giờ trở nên thân thuộc đó không phải là thành công hay sao. Hay bạn nghĩ rằng thành công phải là cái gì thực sự rất to lớn và ở đó toát lên những thứ ánh sáng lung linh. Không phải là như vậy, nếu chỉ chăm chăm vào vẻ hào nhoáng của hai từ được định nghĩa là thành công thì ta đang lãng phí thời gian mình có đấy.

Sự chán nản, mệt mỏi đó là một phần của cuộc sống, ai rồi cũng trải qua, có khi ta muốn bỏ mặc cho tất cả, tới đâu thì tới. Nhưng khi quyết định từ bỏ thì đừng quên rằng mình đã từng làm được gì và những gì do để mình bắt đầu. Bài học thành công không phải là sự kiêu ngạo mà đang nó chỉ ta vượt qua được những thất bại, tạo thêm động lực để phấn đấu.

Dành một khoảng thời gian nói về sự thành công, thật tuyệt vời! Vì sau đó tôi tin chắc một điều rằng là năng lượng sống chúng ta thêm tràn trề và chúng ta đã sẵn sàng cho những công việc, thử thách mới.

Thảo Cỏ

 

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG

2015-06-20 23:33

Trong cuộc sống, ai cũng muốn mình thành công. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công của mỗi người không giống nhau. Sẽ có người gặp được con đường bằng phẳng, nhưng có người sẽ phải đi những con đường gập ghềnh, nhiều chông gai, rào cản. Để giúp bạn vượt qua những rào cản đi đó, Careelink chúng tôi xin chia sẻ một số bí quyết thành công trong cuộc sống để bạn tham khảo.

 

1.Dung hòa giữa gia đình và công việc

Công việc quan trọng, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem đó là mục tiêu hàng đầu phải đạt được. Để có thể làm việc tốt bạn cần có một hậu phương vững chắc, đó chính là gia đình. Gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến thành công của bạn. Đó là nơi để bạn quan tâm, chăm sóc và lo lắng. Bạn hãy nghĩ rằng, tất cả những gì mình làm, mình cố gắng không phải vì lợi ích bản thân mà là vì gia đình và xã hội. Vì thế, bí quyết để thành công trong cuộc sống là phải biết dung hòa giữa gia đình và công việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

2.Quý trọng thời gian

Bạn không chỉ có thời gian làm việc mà phải có thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho gia đình, người thân, bạn bè. Vì vậy, ngay từ lúc này bạn hãy xem lại những gì mình đã làm trong thời gian qua và những việc sẽ làm sắp tới để có một thời gian biểu thật khoa học cho công việc và trong cuộc sống hàng ngày

 

Biết quý trọng thời gian sẽ cho bạn một cuộc sống thoải mái và ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi vậy, đừng bao giờ để lãng phí thời gian với bất kỳ ly do gì. Điều đó sẽ góp phần rất lớn cho thành công trong cuộc sống của bạn.

 

3. Không thể thiếu những nguyên tắc và niềm tin

Trong cuộc sống nếu không có những nguyên tắc thì chắc chắn bạn sẽ không thể đạt đến đỉnh cao của thành công. Nguyên tắc giúp xây dựng cách sống, cách làm việc và mang lại hiệu quả cao trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên bạn cần phân biệt rõ nguyên tắc trong công việc, trong cuộc sống cá nhân, gia đình. Không thể mang những nguyên tắc trong công việc áp đặt vào cuộc sống riêng và ngược lại. Có những nguyên tắc đúng đắn và khoa học là một trong những bí quyết không thể thiếu để giúp bạn thành công trong cuộc sống hiện đại bây giờ.

 

4. Lòng đam mê, hành động và kiên trì

Thời gian giúp bạn thực hiện những điều mình muốn. Nguyên tắc giúp cho cuộc sống và công việc của bạn được thực hiện một cách có khoa học. Còn lòng đam mê sẽ thôi thúc bạn đi đến hành động và giúp bạn kiên trì hơn để đạt được những gì mình muốn.

 

Sự kiên trì giúp cho ý chí và quyết tâm trong bạn càng được nâng cao và vững chắc hơn. Trong cuộc sống chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn rào cản và có thể sẽ có cả những thất bại. Nhưng nếu bạn thật sự là một người kiên trì thì tất cả những điều đó sẽ bị đẩy lùi lại phía sau, nhường đường cho những điều tốt đẹp ở phía trước.

 

5. Không nuối tiếc

Thêm một bí quyết giúp bạn thành công trong cuộc sống là không nên nuối tiếc. Trong cuộc sống chắc chắn sẽ có nhiều chuyện khiến mình không vui, không hài lòng hoặc có thể mình bỏ lỡ những cơ hội mà đáng ra đã nắm được trong tay. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn cho phép bản thân chán nản và nhắc đến việc đó mãi giống như sự tiếc nuối. Thay vào đó, hãy xem những điều đã mất như một bài học kinh nghiệm cho cuộc sống để cố gắng đạt được những điều lớn hơn.

 

6. Không làm những việc quá khả năng

Warren Buffett - Nhà tiên tri xứ Omaha, người giàu thứ ba thế giới từng nói: “Tôi không thích nhảy qua những bức rào cao 2 mét. Tôi chỉ tìm những bức rào cao 30cm để có thể bước qua”.

 

Một dự định quá lớn sẽ khiến cho bạn dễ mệt mỏi và chán nản. Vậy tại sao bạn không chọn những công việc vừa sức với mình để thực hiện. Một gia đình hạnh phúc hay một công việc yêu thích sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Ai cũng có những ước mơ của riêng mình, nhưng phải xác định rõ rằng không thể bằng một bước bạn sẽ đạt được ước mơ đó. Hãy bắt đầu với những gì bạn có thể làm được và dần vươn tới những điều cao hơn, xa hơn.

 

7.Không biết thỏa mãn

Thành công chỉ đến với những ai biết cố gắng và luôn có những khát vọng trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ đọc hết một quyển sách và cho như vậy là đủ thì không bao giờ bạn có thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Trong cuộc sống và công việc cũng vậy, cuộc sống luôn là những thử thách và bạn phải tìm cách vượt qua tất cả những thử thách đó. Nếu bạn dễ dàng thõa mãn với những gì mình đã làm được điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã chấp nhận bỏ cuộc. Hãy luôn có những dự định mới trong cuộc sống và cố gắng để đạt được nó, có như vậy bạn mới thật sự là người thành công.

 

8.Dám nghĩ, dám làm

Khi bắt đầu làm bất kỳ công việc gì bạn cũng hãy nghĩ đến những rủi ro và dũng cảm đón nhận nó. Hãy nhớ là bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đừng để người ta nói rằng, bạn không đủ thông minh... Việc đó quá khó… đó là một ý tưởng dở hơi… chưa ai từng làm như vậy. Cuộc sống của bạn là do bạn tự quyết định, vì thế nếu bạn chỉ dừng lại ở những suy nghĩ thì thành công sẽ không bao giờ đến. Những nguyên tắc, niềm tin và sự kiên trì sẽ giúp bạn dám làm những điều mình muốn.

 

“Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”. Đừng để những ước mơ của bạn lụi tàn theo thời gian. Hãy bắt tay hành động ngay khi có những dự định và nhớ hãy đặt ra cho mình những nguyên tắc trong cuộc sống, cùng sự kiên trì và quyết tâm cao để khi kết thúc công việc dù thành công hay thất bại cũng không phải nuối tiếc.

 

BẠN SẼ KHÓC KHI ĐỌC XONG 10 ĐIỀU BÍ MẬT CỦA MẸ

2015-06-10 19:00

Nếu đã đọc được bài viết này, hãy ngay lập tức nhấc điện thoại lên và nói con cám ơn mẹ nhiều lắm!

Mẹ sẽ không bao giờ nói với con về những bí mật này. Bởi vì, đó là những điều bình thường mà bất cứ người mẹ nào cũng có thể làm, vì con.

1. Con đã làm mẹ khóc… rất nhiều. Mẹ đã khóc khi hay tin mẹ mang thai con, những giọt nước mắt hạnh phúc. Mẹ cũng đã khóc vào ngày con chào đời, mẹ đã trải qua đau đớn khốn cùng để sinh ra thiên thần bé bỏng. Mẹ cũng đã khóc trong ngày đầy tháng, ngày sinh nhật đầu tiên của con, khi trước đó mẹ tất bật sửa soạn tổ chức cho con những “ngày trọng đại” đầu đời. Mẹ đã khóc khi con sặc sữa tím tái mặt mày, mẹ cũng khóc khi con sốt mọc răng, khi con chập chững những bước đi đầu tiên và khi con ngọng nghịu gọi “mẹ”… Mẹ đã khóc vì hạnh phúc. Mẹ đã khóc vì sợ hãi. Mẹ đã khóc vì lo lắng. Mẹ khóc vì thương con. Ngay cả khi con đã lớn, không hẳn mẹ sẽ thôi rơi nước mắt…

2. Mẹ nhường cho con miếng bánh cuối cùng. Ngay lúc đó mẹ rất đói, cơn đói cồn cào sau một ngày làm việc mệt mỏi và trở về nhà với rất nhiều công việc không tên. Mẹ ước gì có thể ăn chút gì đó lại sức trước khi lao vào dọn dẹp… À, có một chiếc bánh trên bàn, và mẹ thấy con nhìn chiếc bánh với đôi mắt to thèm thuồng. Mẹ không thể ăn chiếc bánh đó được. Mẹ thấy hạnh phúc hơn khi nhìn con ăn ngon dù chiếc bụng lép của mẹ vẫn kêu rột rột.

3. Con làm mẹ đau. Khi con ở trong bụng: con thúc vào sườn mẹ, mẹ đau; con càng lớn thì bụng mẹ càng căng tròn như quả bóng sắp nổ và khắp mình mẩy mẹ nhức buốt, mẹ đau. Khi con chào đời: những con co của tử cung và con thúc mạnh mẽ đòi ra, mẹ đau. Khi còn nhỏ: con kéo tóc mẹ, mẹ đau; con bám vào mẹ với những móng tay sắc nhọn không thể cắt, mẹ đau; con nhây ti mẹ và bất ngờ cắn “phập” một cái, mẹ đau điếng… Mẹ đã trải qua rất nhiều cơn đau từ khi con bước vào thế giới này; nhưng bởi vì mẹ luôn mỉm cười với con nên con sẽ chẳng bao giờ biết điều đó cho đến khi con đã lớn và trở thành người cha, người mẹ

4. Mẹ luôn luôn lo sợ. Từ khi biết có con nhỏ xíu hình thành trong bụng mẹ, mẹ đã làm tất cả mọi thứ để bảo vệ con, bởi vì từ trong suy nghĩ, mẹ không tin có ai đó có thể giữ cho con an toàn bằng mẹ. Mẹ cho con ăn, mẹ ru con ngủ, mẹ tắm cho con, ủ ấm con và vỗ về khi con khóc. Trái tim mẹ lỗi nhịp khi bất ngờ chứng kiến con bước những bước chân đầu tiên. Mẹ dậy thật sớm chỉ để chuẩn bị cho con bữa sáng ngon lành trước khi đến trường, và thức rất khuya ngóng con trở về nhà an toàn và mẹ sẽ luôn ở đó, chờ con về, để chắc chắn rằng con vẫn ổn – cho dù đôi khi con cảm thấy phiền vì điều đó.

5. Mẹ không phải là người hoàn hảo. Thậm chí, mẹ là một “nhà phê bình” nghiêm khắc đối với chính bản thân mình. Mẹ biết tất cả những thiếu sót, những khuyết điểm của mẹ, và đôi khi mẹ ghét chính bản thân mình vì chúng. Mẹ luôn muốn trở thành người mẹ hoàn hảo, nấu ăn ngon, kiếm nhiều tiền, dư dả thời gian dành cho con và cực kỳ tâm lý; nhưng thực tế đôi khi mẹ đã sai – mẹ đã mắng con, mẹ đã ép con ăn, ép con học, cấm con không được giao du với người này người khác… Vì mẹ cũng chỉ là con người, không phải thần thành, nên mẹ đã sai lầm. Và mẹ ước gì có thể quay ngược thời gian để sửa sai, vì đó chỉ là ước mơ thôi, nên mẹ không ngừng tự vấn. Mẹ đã làm điều tốt nhất cho con theo cách riêng của mẹ.

6. Mẹ ngắm con say ngủ. Có những đêm, mẹ hầu như thức trắng chỉ để dỗ con ngủ. Thậm chí mắt mẹ nhắm lại, đôi tay mỏi rã rời như muốn rụng, thân thể rệu rã nhưng miệng vẫn ngân nga câu hát ru. Cuối cùng thì con cũng đã ngủ thiếp đi, mẹ nhẹ nhàng đặt con vào nôi. Tưởng như mẹ có thể đặt lưng xuống là chìm trong giấc ngủ, nhưng mẹ lại đứng cạnh nôi ngắm nhìn thiên thần của mẹ đang say ngủ. Tất cả mệt mỏi của mẹ bỗng dưng tan biến trong một giây. Vì đó là tình yêu con ạ, tình yêu xua tan mệt mỏi, xóa hết đau buồn; mẹ yêu con biết chừng nào.

7. Mẹ “mang” con hơn chín tháng, mười ngày. Con chỉ cần mẹ thôi, vì vậy đôi tay mẹ sẽ “mang” con suốt cuộc đời mẹ. Mẹ sẽ ôm con vào lòng khi tắm cho con, mẹ sẽ ôm con ngay cả khi mẹ đang ăn cho qua bữa, mẹ muốn ôm chặt con ngay cả khi mẹ đã chìm vào giấc ngủ. Đôi tay mẹ sẽ rất mỏi, hai cành tay rã rời, nhưng mẹ sẽ luôn dang tay đón con khi con ào vào lòng mẹ. Với vòng tay mình, mẹ gần con hơn, mẹ sẽ yêu, sẽ hôn con và chơi cùng con. Vì con sẽ cảm thấy an toàn trong vòng tay mẹ, vì con thấy hạnh phúc khi được mẹ ôm, vì con biết mẹ yêu con rất nhiều khi mẹ dang tay ôm xiết con vào lòng. Mẹ sẽ mãi ôm con như thế, bất cứ khi nào con cần.

8. Trái tim mẹ vỡ vụn khi nghe tiếng con khóc. Con càng lớn, tiếng khóc của con càng khiến tim mẹ vỡ vụn. Bởi vì khi con càng trưởng thành, con càng ít khóc hơn, nếu con khóc nghĩa là con đang đau đớn. Không có âm thanh nào buồn như tiếng con khóc thầm. Không có hình ảnh nào làm mẹ sợ bằng những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt con buồn bã. Dù mẹ đã làm tất cả để con không phải khóc, nhưng đôi khi mẹ không thể ngăn được. Nhất là khi mẹ thấy con gái mình khóc, trái tim mẹ vỡ vụn thành hàng triệu mảnh.

9. Mẹ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Mẹ luôn đặt nhu cầu của con trước nhu cầu của mẹ. Mẹ thức dậy thật sớm, chợ búa, làm bữa sáng, chuẩn bị cho con đến trường, đi làm, trở về nhà và tất bật cơm nước dọn dẹp, cho con học… Mẹ có thể không kịp ăn bữa sáng, không kịp chợp mắt giấc trưa. Mẹ dành hết cả năng lượng, hết cả thời gian của riêng mình sau một ngày làm việc vất vả để đáp ứng nhu cầu của con, một cách tự nhiên ngay cả khi con không đòi hỏi. Cuối ngày, mẹ đặt mình xuống giường khi đã rất mệt. Nhưng ngày hôm sau, mẹ lại thức dậy và lặp lại tất cả các công việc ấy. Bởi vì con là cứu cánh của mẹ.

10. Nếu được, mẹ ước gì sẽ làm mẹ của con thêm nhiều lần nữa. Làm mẹ là một trong những công việc khó khăn nhất, đau đớn nhất, và sẽ lấy đi của mẹ nhiều thứ: tuổi trẻ, thời gian, sắc đẹp, sự tự do… Làm mẹ của con, nghĩa là mẹ đã từng khóc, đã tổn thương, đã cố gắng, đã thất bại và mẹ lại tiếp tục học để trở thành người mẹ. Làm mẹ của con, mẹ cũng trải nghiệm niềm vui, hạnh phúc và cảm nhận tình yêu vô bờ bến. Mặc dù, sẽ có lúc con làm mẹ buồn, đau đớn hay thất vọng… nhưng mẽ sẽ luôn yêu con suốt cuộc đời mình.

Vì vậy, nếu đã đọc được bài viết này, hãy ngay lập tức nhấc điện thoại lên và nói con cám ơn mẹ nhiều lắm. Hoặc bất cứ khi nào trở về nhà, hãy nhìn vào mắt mẹ mình, hãy nói cho mẹ bạn biết bạn yêu mẹ đến nhường nào. Bởi vì sao bạn biết không? Bởi vì có khi mẹ không thể nghe những lời yêu thương đó nhiều nữa đâu. Bởi vì sẽ có lúc bạn phải nói yêu mẹ khi mẹ không còn nghe được nữa…

Nguồn sưu tầm

ĐỒNG TIỀN CỦA MẸ

2015-06-10 18:53

Ba mẹ chia tay nhau từ khi tôi còn rất bé, khoảng thời gian thơ ấu không hề dễ chịu…

Tôi sống với mẹ bên nhà ngoại. Mẹ làm thợ may trong một con xóm nhỏ xíu, muốn đi ra thị trấn phải mất hai mươi phút đi đò. Từ ngày mẹ và ba thôi nhau, bà ấy bắt đầu làm việc vất vả nuôi tôi không thiếu thứ gì, bà thương tôi thiếu thốn tình cảm so với người khác. Còn ba, ba là người thành phố, đôi lần về thăm tôi là tôi đu cổ ba không buông, ba về mà đứng ở đầu ngõ khóc sướt mướt, khiến mẹ tôi cũng khóc theo, cầm lòng không đặng.

Từ nhỏ tôi đã được ba nuông chiều, đi đâu cũng trên vai ba, đêm ngủ thì ngủ trên bụng ba, ăn cơm thì phải chờ có ba mới chịu ăn. Tôi bắt đầu đâm ra ghét mẹ, tại sao mẹ bắt tôi về đây để phải xa ba. Hồi ấy, ngu ngơ ai hiểu, mẹ cũng có nỗi khổ tâm mà không bao giờ tôi thấu hiểu hết.

 

 

Bà Mẹ Trên Đồng Muối

Một hôm nọ, cô giáo cho đề văn: “Hãy tả bữa cơm gia đình em.” Tôi bắt đầu viết, một bữa cơm như trước đây, có ba có mẹ, những bữa cơm ba luôn là người lừa hết xương cá gắp cho tôi, mẹ thì cố bới cơm ém xuống cho tôi ăn được nhiều, nhưng sực nhớ lại, tôi viết: “Bữa cơm gia đình em hôm nay không còn có ba, lâu thật lâu ba mới về thăm em một xíu rồi đi, ba không còn muốn ăn cơm với mẹ và em nữa.” Hôm ấy, cô giáo gọi tôi ở lại, không hiểu sao, mắt cô ươn ướt, đưa tay vuốt tóc tôi nhẹ nhàng rồi đến gặp riêng mẹ tôi. Tôi thấy mẹ khóc, rồi ngoại khóc, buổi chiều hôm ấy, mẹ không ăn cơm mà nằm im trong phòng, có lẽ mẹ bệnh.

Tôi đòi mua một chiếc xe đạp để đi học cho tiện, mẹ bảo chiếc xe đạp cũ còn xài tốt thì xài đi. Tôi nằng nặc mua chiếc xe mới như con Út Tiên hàng xóm có, mẹ im lặng, nói là mẹ không có nhiều tiền như vậy. Tôi giận dỗi bỏ vào phòng nằm, không nói chuyện với mẹ suốt một tuần liền.

Tự dưng, trưa hôm đó mẹ đi đò lên thị trấn mua một chiếc xe đạp giống y chang của Út Tiên, mới cáu, bóng loáng. Tôi mê lắm, cứ xăm xoe nó, ngồi thử và cười thích chí. Buổi chiều, mẹ ngồi lặt mấy cọng rau đắng nấu canh cua, tôi chợt thấy mẹ mất đi đôi bông tai, mẹ cười nói: “Nó chật rồi, mẹ tháo cất.”

Trong cái xóm nhỏ này, ai cũng nghèo, nên hiếm hoi năm thì mười vận mới có người đến may đồ, còn trả giá tới lui rồi chê mắc chê rẻ. Tiền tôi đi học ngày càng nhiều, mẹ bắt đầu nhận thêm đơm lá, mỗi ngày mẹ nhận lá xanh về cắt, gọt rồi xỏ lá đơm thành cái mái tranh lợp nhà. Tay mẹ sần rát, những nốt chai cứ to dần lên, lưng mẹ khòm đi và cong lại. Bà ngoại nắm tay mẹ mà xót xa, nước mắt lăn dài trên đôi mắt già nua cằn cỗi.

 

 

4921ad7c80d7e550b5010fc2c0b2d30d

Tôi bắt đầu lớn, hiểu dần ra gia cảnh của mình, tự thấy mặc cảm với bạn bè. Chúng nó có ba, còn tôi, thì không. Ba tôi suốt ngày chỉ biết đến công việc, ông thăm tôi ít lại, còn tôi thì lầm lì im lặng mỗi khi ông về. Tôi tự nhận thấy mình thật bất hạnh, thua thiệt mọi thứ với bè bạn. Tuổi mới lớn cứ thích đua đòi, thích có điện thoại này kia, muốn được trang điểm, làm điệu. Mẹ tôi lại còng lưng đi đơm từng chiếc lá, sửa từng cái áo cái quần cho khách chắt mót mua cho tôi.
Nhưng, số tiền mẹ làm không nhiều, chỉ mua được cho tôi những thứ bình thường, có hôm, tôi giận liệng điện thoại vô góc: “Người ta xài tới điện thoại gì rồi mà mẹ còn mua cho con cái cũ rích vầy!” Mẹ nhìn tôi, có vẻ thoáng buồn, tôi thì làm trận làm thượng, nổi giận đùng đùng xách xe chạy qua nhà bạn chơi. Đêm ấy, tôi không thèm về nhà, còn mẹ thì đội mưa đội gió đi kiếm tôi khắp nơi. Hôm sau, mẹ ngã bệnh nặng còn tôi thì không chút gì hối hận, cứ như: “lỗi tại mẹ, ai bảo mẹ không giàu bằng mẹ người ta.”

Mẹ lụm chiếc điện thoại của tôi, gắn pin, chùi sạch sẽ bụi để lại trên bàn học. Tôi thấy nó, càng bực mình, hất tay rớt đất, nứt cái màn hình. Chiều đó, mẹ mượn cô Sáu tiền mua cho tôi cái điện thoại mới xịn, còn bà, nhặt lại từng miếng nhựa mua keo về dán, gắn vô xài rồi cười: “Có cái để gọi cho con.” Tôi không quan tâm lắm, chỉ có điện thoại mới để đua theo bạn bè là tôi vui. Chiếc áo rách chút xíu tôi đã vứt đi, còn mẹ, chiếc áo mẹ mặt tránh nắng thì không tìm được chỗ nào lành cả, nó chằng chịt những chỉ là chỉ. Tôi bảo mẹ vứt đi nhiều lần, mẹ cứ nói: “Còn xài được để xài chứ con.”

Rồi ngoại mất đi, để lại mẹ và tôi chơ vơ giữa căn nhà lạnh lẽo. Tôi viện đủ cớ đi học, họp nhóm để tụ tập chơi bời với bạn bè, bỏ mẹ ở nhà một mình. Có hôm còn viện lí do ngủ lại nhà bạn mai đi học cho sớm, mẹ cũng ừ rồi dặn dò đủ kiểu, tôi cùng bạn lại đi chơi thâu đêm suốt sáng, hôm sau nghỉ luôn học vì mệt. Còn mẹ tôi, cứ ngày ngày ngồi đơm lá trước hiên, ngóng ra cửa coi con mình về chưa.
Đôi lúc tôi thấy dáng mẹ thoáng ngoài cửa, vội tắt điện thoại vờ ngủ vì không thích mẹ hỏi han trò chuyện, câu chuyện mẹ kể cũ mèm mà cứ lục đi lục lại chuyện hồi bé của tôi, mẹ lén mở cửa phòng, đưa tay vuốt tóc rồi hôn lên má tôi nhẹ, rồi từ từ ra khỏi phòng khép cửa lại, tôi cau có: “Đâu có phải trẻ lên ba đâu!”

Tôi quyết định không thi đại học mà đi làm, mẹ khuyên răn đủ các kiểu là con đi học đi, mẹ lo được, lo cho con mười hai năm rồi không nhẽ bốn năm không lo được, tôi ngán ngẩm thi vô một trường tít trên thành phố. Ngày tôi lên thành phố đi thi, mẹ mang cơm, mang nước đủ các kiểu, tôi bực mình: “Có phải là đi tị nạn đâu mẹ!” Mẹ im lặng, cười cười rồi gói ghém bỏ vô giỏ bàng.
Trưa giải lao, mẹ mở hộp cơm cho tôi ăn, tôi bướng bỉnh không ăn, mẹ dỗ dành ăn được một xíu, phần dư mẹ ăn. Khi bà ăn cơm, tôi cố gắng xích ra xa, vờ như không quen biết gì đến mẹ, mẹ cũng biết, nhưng bà vẫn ăn cơm, rồi cũng ngồi im nơi đó, như sợ con mình bị người ta chê có bà mẹ quê mùa.Tôi đậu đại học, mẹ mừng không thể tả xiết, thịt mấy con gà mà bà để dành tết làm một mâm cúng tổ tiên, rồi bày ra cho tôi và bạn bè ăn say sưa. Sau khi ăn xong, còn cổ cánh và xương vụn vụn, mẹ kho lại với dưa chua và ăn cơm: ” Mẹ thích ăn mấy cái này, nó ngon lắm.”

Đi học, dường như hai, ba tháng tôi với về nhà một lần, còn mẹ cứ động viên: “Con học đi, mẹ lo được.” Tôi bắt đầu ăn chơi sa đọa, viện đủ thứ tiền để đi chơi, ăn uống hả hê. Cuộc sống Sài Gòn xô bồ quá, tôi quên mất mẹ ở quê, suốt ngày lao vào những cuộc chơi vô nghĩa. Cho đến một hôm mẹ lên tận cửa phòng trọ:

- Trời ơi! Mẹ lên chi vậy?

- Lên thăm con. Bốn tháng rồi con chưa về nhà. Con đi đâu về trễ vậy?

- Con…đi học. Ca đêm. Mẹ không cần phải lên như vậy đâu.

- Thôi, thấy con lành lặn được rồi. Mơi mẹ về sớm.

Mẹ đi vào phòng trọ, quét dọn đủ các kiểu khi tôi quá mệt, lăn đùng ra ngủ, mẹ lại dọn dẹp sạch sẽ rồi nằm xuống cạnh tôi. Sáng sớm, tôi lật đật gọi mẹ dậy đưa bà ra bến xe để đi cho rảnh nợ.

Ít hôm, tôi hết tiền mà chưa đến ngày mẹ gửi tiền, tôi đành vác mặt về quê dù chẳng muốn tý nào. Về đến quê mới biết, sáng mẹ bán bánh mì ngoài chợ. Tôi nổi giận đùng đùng, khi mẹ xách giỏ bánh mì dư về nhà, liền to tiếng:

- Bộ thiếu thốn lắm hay sao mẹ đi bán bánh mì làm gì!

- Thì…có thêm đồng ra đồng vô. Giờ ít ai may đồ quá!

- Mẹ tính bôi tro trét trấu cái nhà này hả? Mẹ làm như vậy con có mặt mũi nhìn ai nữa! Người ta nhìn vô nói con là con bà bánh bánh mì! Con bà đơm lá! Trời ơi là trời!

“Bốp”

Mẹ đưa tay tát tôi một cái. Lần đầu tiên bà đánh tôi, mẹ bắt đầu giận, tôi thấy tay bà run lên:

- Tao bán bánh mì, đơm lá, nuôi mày ăn học mười mấy năm trời mà giờ mày phụ ân phụ nghĩa! Khi sinh mày ra, mày sinh khó, vẫy vùng, thập tử nhất sinh mới có mày. Nuôi mày lớn lên còng lưng cho mày tiền để đua đòi, mày không có ba tao sợ mày thua thiệt bạn bè. Tao cho mày đi học nhiều chữ để về nhà chửi mẹ mắng cha hả?

- Ai kêu bà sinh tôi ra cuộc đời này làm gì để hứng chịu nghèo khổ!

Tôi vác vali chạy ra bến xe mà nước mắt lưng ròng, bắt chuyến xe tàn lên Sài Gòn mà tự hứa sẽ đi làm, không cần đồng tiên của mẹ để bị bà xỉ vả. Tối hôm đó, mẹ có gọi cho tôi chục cuộc, tôi không nghe máy mà tắt ngang, cúp nguồn. “Cứ như bà và tôi chẳng còn gì nữa!”

Tôi chuyển nhà trọ, kiếm việc làm thêm tại một tiệm cơm. Công việc không như tôi nghĩ, mỗi bữa nghỉ giải lao của công nhân xong, tôi rửa chén đến cứng đờ đôi tay, bưng cơm không kịp khách bị bà chủ chửi như tát nước vào mặt, nhưng nhịn nhục để kiếm từng đồng tiền đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền gửi xe, đủ các loại tiền.
Khi tôi tự kiếm tiền, bắt đầu cảm thấy sức nặng của đồng tiền, ngoài xã hội, lấy tiền của họ phải đánh đổi bằng sự nhịn nhục và mồ hôi, bằng những ngày làm việc không ngừng nghỉ, cúi gằm mặt khi bị mắng chửi vô cớ, không giống như tiền của mẹ, chỉ xòe tay mà lấy, đồng tiền mẹ đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, ngẫm lại, thấy đồng tiền mẹ cho tôi nó lớn đến mức, có chết ngay bây giờ, cũng không trả được hết. Tôi muốn về nhà, muốn nhìn mẹ, nhưng nghĩ về quá khứ đã làm nhiều chuyện khiến mẹ đau lòng, đôi chân tôi dừng lại ở bến xe về miền tây, sợ điều gì đó, sợ lắm!

Hôm nay, tôi mất việc ở quán cơm, bà chủ nói không trả tôi một xu khi tôi nghỉ ngang như vậy, tôi chán nản bỏ ra công viên ngồi ngắm đường phố. Thời gian dài thật, những ngày tháng tự lập khó khăn thật, tôi bắt đầu nhớ mẹ nhiều lắm. Không biết mẹ ra sao, có kiếm tôi không, có nhớ tôi nhiều không, chắc mẹ khóc nhiều lắm. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi tự rơi lã chã. Một cậu bé chạy đến, quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem:

- Có gì ăn không?

- Em đói hả?

- Ừ.

- Đợi chút, ăn bánh mì nha.

Nó im lặng gật đầu, thọc tay vô túi còn có hai chục ngàn, tôi bấm bụng nhịn đói mua cho nó ổ bánh mì thịt béo ngậy. Nó ngồi bệt xuống đất, ngấu nghiến ổ bánh mì một cách ngon lành, tôi lấy làm thương hại:

- Ba má đâu mà để em đói vậy?

Nó vẫn im lặng, khi ăn nửa ổ bánh mì nó xé, còn nửa ổ, nó gói cẩn thận lại rồi cột chặt, tôi thắc mắc:

- Bộ bánh mì dở hay sao em ăn không hết?

- Không phải, chừa cho má.

- Ủa, má em đâu?

- Ở đằng kia.

Tôi theo chân thằng bé đến dưới một góc công viên. Đằng đó, có một người phụ nữ trung niên khắc khổ nằm trên tấm ni long to, thở khò khè:

- Ủa, thằng Lượm về hả?

- Dạ. Con có bánh mì cho má nè.

- Thôi, con ăn đi, má không đói.

- Con ăn một nửa no rồi, còn một nửa má ăn đi rồi mai con xin thêm tiền mua thuốc cho má.

Người phụ nữ mò mẫm ổ bánh mì, cầm ăn ngon lành, thằng bé ngồi kế bên vẻ còn đói nhưng ngó lơ chỗ khác. Tôi thấy mình thật nhỏ bé so với nó, quá nhỏ bé so với khối hiếu thuận của một thằng bé thất học lêu lỏng, trong khi tôi học trường này trường nọ, bằng này bằng kia, tim tôi tự dưng thốt thảng, tôi cũng có mẹ mà! Mẹ tôi cho tôi nhiều hơn người khác, vậy mà tôi sống chỉ biết đòi hỏi cho mình, không biết làm gì cho mẹ cả.

 

 

mẹ già

Tôi chạy thật nhanh đến cửa hàng bánh mì rút tiền dằn túi mua cho hai mẹ con thêm hai ổ bánh mì, hai chai nước. Họ cảm ơn tôi rối rít. Đi bộ dọc về trên đường, tôi quyết định gọi về nhà…

Một hồi chuông, hai hồi chuông…

Tôi im lặng chờ đợi, run tay cầm cập…

- A lô?

- Mẹ!

- Con hả? trời ơi, con ở đâu? Mẹ xin lỗi hôm đó mẹ không nên đánh con. Con về đi, mẹ nhớ con lắm!

- Mẹ, con biết từ nhỏ con đã bất hiếu, ích kỉ cho bản thân mà không suy nghĩ cho mẹ, mẹ ơi, xã hội này nó không tốt với con như mẹ đâu, đồng tiền con làm ra, khi cầm nó, con mới hiểu mẹ cực khổ ra sao! Mẹ, con…con xin lỗi mẹ. Mẹ ơi, con muốn làm lại từ đầu.

- Mẹ vui lắm. Gần hai mươi năm rồi…cũng không quá muộn, con biết quay về là được. Mẹ có lên tìm ba để tìm con, ba cũng lo cho con lắm!

- Mẹ, ngày mai, con về quê với mẹ, nha mẹ!

Nguồn Sưu tầm

 

9 KIỂU NGƯỜI VÔ CÙNG NGUY HIỂM TRONG CUỘC ĐỜI

2015-06-10 06:55

1. Người ích kỷ

Tự hào về bản thân đôi khi là một điều tốt. Nhưng nếu quá ngạo mạn về chính mình và tin rằng mình tốt hơn tất cả mọi người xung quanh là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu bạn ở cạnh một người thiếu tôn trọng bạn, đúng hơn là họ lấn át và xem thường sự hiện diện của bạn thì tốt nhất bạn hãy chọn con đường là rời xa họ.

Đôi khi quá vô tư mà bỏ quên suy nghĩ và cảm nhận của người khác sẽ là con đường ngắn nhất khiến ai đó tự cô lập chính mình!

2. Người đố kỵ

Những người có bản tính hay ghen tị thường cảm thấy mình xứng đáng được thành công và hạnh phúc hơn người khác. Cho dù bạn có cố gắng để họ hiểu rằng mình cũng là một phần của chiến thắng thì điều đó càng khiến họ phẫn nộ vì sự khiêm tốn và cao thượng của bạn. Kiểu người này bạn nên tránh xa.

3. Người tự phụ

Những người tự phụ thường tỏ ra kiêu căng và tin rằng mình hoàn toàn kiểm soát được mọi thứ. Họ tự tin thái quá về bản thân mình và ít khi coi trọng ý kiến của người khác.

4. Người thích phán xét

Dường như với kiểu người này thì không có gì là đủ. Họ là những “súp – pơ – soi chính hãng” và luôn sẵn mọi ngôn từ để soi mói người khác. Đối với họ, mọi thứ đều có vấn đề.

5. Người thích điều khiển

Người thích điều khiển là những người luôn muốn kiểm soát và lãnh đạo người khác. Họ sẵn sàng “bóc lột” sức lao động của đồng nghiệp để đạt được mục đích của mình.

6. Người nói dối

Chúng ta ai cũng đã từng nói dối và sự thật là không phải lúc nào nói dối cũng xấu. Tuy nhiên, ở cạnh những người hiếm khi nói thật sẽ khiến bạn “loạn” và thiếu sự tin tưởng. Dần dần, bạn sẽ bị ảnh hưởng và mất niềm tin vào cuộc sống.

7. Những người hay “buôn dưa lê”

Kiểu người này thường kém tin cậy nhất và họ dùng miệng lưỡi của mình để biến tấu câu chuyện. Thông tin mà họ truyền đạt thường bị biến đổi qua rất nhiều người. Do vậy, nếu bạn tiếp cận thường xuyên với họ, bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều không chỉ về cách ăn nói mà còn trong suy nghĩ..

8. Những kẻ ăn bám

Những người ăn không ngồi rồi, nhàn cư vi bất thiện sẽ là những người vô cùng nguy hiểm bởi vì một sự nhụt chí của họ sẽ khiến bạn dễ bị lung lay và ảnh hưởng. Đặc biệt nếu bạn đang xây dựng cho mình một kế hoạch phát triển bản thân thì hãy tìm cách tránh xa họ.

9. Người trốn tránh

Kiểu người này ít khi tự nhận trách nhiệm về mình. Thứ họ thích làm đó là chỉ tay vào người khác và không bao giờ chịu thừa nhận họ có lỗi.

Cuộc sống không thể tránh khỏi có những mặt đối lập và những kiểu người này chắc chắn vẫn luôn hiện diện. Điều quan trọng nhất là bạn hãy học cách phân biệt và độc lập với ảnh hưởng của họ để không phạm sai lầm và tập trung cho ước mơ của bạn nhé.

- ST -

TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH

2015-05-31 00:39

https://www.youtube.com/watch?v=5trThKiZN30

Tình yêu chân chính là tình yêu trong sáng và lành mạnh, phù hợp với các quan niệm đạo đức tiến bộ của xã hội. Một tình yêu chân chính phải có các biểu hiện cơ bản sau: 
- Có tình cảm chân thực, có sự quyến luyến, gắn bó giữa một nam và một nữ, biểu hiện bằng sự mong muốn luôn được gần gũi bên nhau, sự đồng cảm sâu sắc về tâm tư, nguyện vọng, ước mơ, hoài bão..., sự hòa hợp về tính cách giữa hai người. 
- Có sự quan tâm sâu sắc đến nhau, không vụ lợi, thể hiện bằng sự chăm lo đến những nhu cầu, lợi ích của nhau, tự nguyện xác định cho mình những nghĩa vụ đối với người mình yêu. 
- Có sự chân thành, tin cậy và tôn trọng từ cả hai phía. 
- Có lòng vị tha và sự thông cảm.

NHÂN NGHĨA

2015-05-31 00:37

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình - Nhân nghĩa đơn giản chỉ là điều hợp lẽ phải, những việc làm tốt đẹp mà chúng ta dành cho mọi người
Hãy sống yêu thương và đừng quên giúp đỡ người khác khi bạn có điều kiện hãy biến cuộc sống này thành những điều yêu thương và hạnh phúc biết chia sẻ và giúp đỡ...BẠN CÓ LÀM ĐƯỢC KHÔNG?
xem, bấm like và chia sẻ người may mắn sẽ được 1 món quà từ mình
(Sản phẩm thuộc về GV: Phạm Thanh Tuấn và nhóm HS 10 CV trường THTH ĐHSP TP HCM năm học 2014 -2015 vui lòng ghi rõ nguồn khi các bạn sử dụng làm tư liệu)

https://www.youtube.com/watch?v=f6HHbV_pvcc&feature=youtu.be

BỆNH VÔ CẢM

2015-05-31 00:36

Dưới góc độ vĩ mô, ngày xưa xã hội phương Đông xem trọng chữ Nhân, rất trọng đạo làm người, trọng lễ nghĩa trong cư xử với nhau, cái chung đặt trước cái riêng. Ngày nay, định hướng giá trị của xã hội đang chuyển dịch từ tính cộng đồng sang tính cá nhân. Sự cạnh tranh trong xã hội làm cho người ta quen nghĩ đến mình trước tiên, nền kinh tế thị trường cũng khiến mọi người nghĩ đến lợi ích cá nhân trước hết. Lợi ích của cái tôi được đặt lên hàng đầu, do đó mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Dần dà cách hành xử đó ăn sâu vào tính cách, tạo nên lối sống lạnh lùng vô cảm.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho xã hội, mỗi con người sở dĩ được gọi là con người chứ không phải là một cỗ máy vì bởi chúng ta hoàn toàn có thể tự chọn cho mình một cách ứng xử. Sở dĩ con người trở nên lạnh lùng vô cảm là bởi họ đã để cho phần Con lấn át đi phần Người, họ sống theo bản năng phòng vệ chứ không sống theo cách sống văn minh, nhân bản.

Giải pháp

Nhiều hậu quả và hệ lụy đáng tiếc do căn bệnh này gây ra. Làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh của thời hiện đại này?

Không ít nơi cả làng sợ tên lưu manh và mặc hắn ức hiếp người lành, cả tá người đi đường thờ ơ để cho người bị tai nạn nằm vất vưởng vì mỗi người ai cũng co cụm trong cái vỏ ốc của mình, không muốn bị liên lụy. Khi con người gặp cái tốt nhưng không làm, thấy cái xấu không lên án, dần dà căn bệnh vô cảm sẽ lan đến mọi ngõ nhà góc phố và biến thành tác nhân làm rối loạn chuẩn mực đạo đức, gây ra sự khủng hoảng văn hóa - xã hội, thậm chí làm thụt lùi tính văn minh của con người, biến xã hội văn minh thành một xã hội bệnh hoạn, lạnh lùng, vô cảm.

“Một xã hội vô cảm là một xã hội chết!”. Do đó chúng ta cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Công việc đó phải bắt nguồn từ trong mỗi tế bào của xã hội, đó chính là gia đình; từ trong cái nôi giáo dục đạo đức của xã hội, đó chính là nhà trường. Nhưng chúng ta nên làm gì đây?

Xét cho cùng trong sâu thẳm mỗi cá nhân, những người mắc bệnh vô cảm là những người thiếu hụt tình yêu thương. Họ không nhận được sự yêu thương đầy đủ của gia đình, của xã hội này, nên tâm hồn của họ trở nên trống "rỗng", họ không có tình yêu thương để chia sẻ. Giải pháp duy nhất cho căn bệnh vô cảm này, chính là vun đắp tình yêu thương cho thế hệ trẻ, tạo cho chúng thói quen biết quan tâm và yêu thương đồng loại ngay từ lúc nhỏ. Nếu như bắt nguồn từ tình yêu thương, thì kết thúc của nó cũng là tình yêu thương.

Xã hội ngày nay ngày càng phức tạp, lừa phỉnh tinh vi, nguy hiểm đầy rẫy. Tuy nhiên, xã hội càng phức tạp bao nhiêu, càng nguy hiểm bao nhiêu, mỗi người chúng ta càng phải thể hiện tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, quyết liệt đẩy lùi cái xấu bấy nhiêu. Khi chúng ta vẫn còn niềm tin vào lẽ phải, khi đa số mọi người đều còn một “trái tim nóng” thì căn bệnh lạnh lùng vô cảm sẽ không thể chiếm lấy xã hội này.